TP.HCM - điểm đến của các KTS hàng đầu thế giới

TTO - Dự kiến trong vài thập kỷ tới, một nửa dân số nước ta sẽ sinh sống tại các đô thị. Hiện nay, hầu hết các thành phố Việt Nam đang nhanh chóng chuyển sang hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa kiểu quốc tế. 
Tòa tháp Bitexco Financial 68 tầng tại TP.HCM do Zapata thiết kế
Không chỉ các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội tăng dân nhanh và xây cất sôi động mà ngay ở các thành phố đang phát triển như Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, thậm chí cả Cần Thơ, Long Xuyên, Vũng Tàu..., nhịp độ xây dựng cũng không kém phần sôi nổi.
Cơ hội mới cho các hãng thiết kế 
kiến trúc quốc tế
Thuê quy hoạch lẫn thiết kế công trình và cả thi công đến từ bên ngoài đang là mốt mới khá phổ biến hiện nay. Không ít người lo ngại với đà toàn cầu hóa kiểu này, phải chăng đô thị Việt Nam, nhất là TP.HCM, sẽ ngày càng quốc tế hóa, nặng về phong cách kiến trúc hiện đại phương Tây? Và bản sắc kiến trúc truyền thống, đặc điểm kiến trúc phù hợp với thời tiết khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam có nguy cơ ngày càng bị quên lãng?
Công ty kiến trúc đa quốc gia Mỹ HOK từng được Sacom, một công ty Việt hoạt động trong lĩnh vực viễn thông và bất động sản, thuê để nghiên cứu cho một dự án bất động sản với diện tích 10,8ha tại TP.HCM.
Tyler Meyr, một cán bộ cấp cao của HOK, cho biết hướng đến sự trẻ trung, bản phác thảo gây ấn tượng bằng thiết kế 1.600 ngôi nhà đan chéo nhau và được các con kênh cắt ngang.
Ông tâm sự: “Nhà nước và đại bộ phận người dân Việt Nam dường như không còn mang nặng mối thâm thù với các nước phương Tây nữa, mặc dù sự thật là chiến tranh đã từng kéo dài nhiều thập kỷ ở đó. Họ đang ở trong thời kỳ lạc quan và hướng về tương lai hơn là quá khứ”.
Tâm trạng lạc quan này có thể được lý giải phần nào bởi số lượng việc làm được tạo ra ồ ạt nhờ các nguồn đầu tư nước ngoài. Với 90 triệu dân, Việt Nam được xem là nơi ưa thích để nhiều công ty mở nhà máy bởi nguồn lao động giá rẻ chỉ bằng một nửa so với các vùng công nghiệp tại Trung Quốc (theo những thống kê của Ngân hàng Thế giới).
Điển hình là việc Tập đoàn Intel đã mở một nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn trị giá 1 tỉ USD tại đây. Các công ty đa quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã nhanh chân ùa vào. Các nhà phân tích cũng cho rằng chính sách bình thường hóa quan hệ thương mại với Việt Nam của Hoa Kỳ, hứa hẹn với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã giúp tăng cường các mối quan hệ và thúc đẩy sự phát triển.
Và tại Hà Nội, Carlos Zapata cũng thiết kế tòa nhà Marriott với 450 phòng nằm trên bến tàu tựa như một chiếc vành móng ngựa cong nếu nhìn từ trên xuống, hiện vẫn đang được thi công. Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Tổng thống Mỹ Obama đã ở đó.
Phương án đề xuất cho trung tâm Mã Lạng 7,5 triệu m2 (do Carlos Zapata Studio thiết kế) tại TP.HCM
Phương Tây có mặt
Mới rồi, trong một tạp chí khá nổi tiếng ở Hoa Kỳ là Architectural Record (Hồ Sơ Kiến Trúc) đã đăng một bài dài với hàng tít lớn: “Phải chăng Việt Nam là điểm dừng chân mới cho các kiến trúc sư (KTS)?”.
Các KTS ở đây là các KTS quốc tế, chủ yếu đến từ phương Tây. Hiện có khoảng 24 công ty thiết kế lớn các khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu đang có các dự án ở những nước Đông Nam Á, nhiều công ty đó có mặt ở Việt Nam.
Nổi tiếng nhất là các công ty thiết kế hàng đầu thế giới, mang tính đa quốc gia như Foster & Partners (Anh), HOK, SOM (Skidmore, Owings & Merrill, Mỹ). Hàng chục dự án thiết kế quy hoạch quy mô lớn, theo xu hướng hiện đại của thế giới đang xuất hiện tại các thành phố lớn ở nước ta, từ Bắc chí Nam, nhất là tại TP.HCM.
Tại TP.HCM, các công ty thiết kế Mỹ (Sasaki), Nhật Bản (Nikkei Seikkei) lẫn Pháp (Deso) đều tham gia quy hoạch Thủ Thiêm, khu trung tâm TP.HCM mở rộng. Các công ty quy hoạch và thiết kế kiến trúc Singapore khá bận rộn với các phương án ở khu đô thị mới Bình Dương.
Người đứng đầu công ty thiết kế lớn Carlos Zapata có trụ sở tại Chicago là KTS Anthony Montalto cho biết: “Việt Nam đang bắt đầu quá trình hội nhập với ngày càng nhiều các tòa nhà thiết kế theo kiểu phương Tây, bởi vì Việt Nam muốn tạo một dấu ấn trên trường quốc tế. Đang có một cơ hội thật sự để chúng ta thử nghiệm những điều mới mẻ”.
Hai trong số các công trình của hãng này, được ghi nhận nằm trong số những công trình đầu tiên của các KTS Hoa Kỳ được xây dựng tại Việt Nam, có hình thức khác biệt so với lối kiến trúc thấp và hình khối ở các đô thị của Việt Nam.
Tòa tháp tài chính Bitexco Financial 68 tầng do hãng này thiết kế, hoàn thành năm 2010 ở TP.HCM, nổi bật với sân hạ cánh trực thăng nhô cao mà nhìn từ các bức tường kính của các tầng cao trông như tấm ván nhún. Tòa nhà mang hình tượng búp sen nở bên bờ sông Sài Gòn. Cao ốc lắp toàn kính này có vẻ hào nhoáng, nhưng rất nóng bức trong khí hậu nhiệt đới Sài Gòn!
Mặt trái của chiếc mề đay
Hiện tượng cao ốc lắp toàn kính không phù hợp với khí hậu nhiệt đới Sài Gòn. Khuynh hướng giao cho các công ty quốc tế lớn đảm nhiệm có mặt tích cực là thổi một làn gió mới vào tiến trình phát triển đô thị mới ở nước ta, nhưng phải chăng nó cũng có mặt tiêu cực là làm cho bộ mặt đô thị Việt Nam mất dần đặc điểm kiến trúc sinh thái truyền thống mang tính nhiệt đới.
Cao ốc lắp toàn kính và điều hòa nhiệt độ có lẽ phù hợp với các nước phương Tây ôn đới, nhưng rõ ràng đã tạo tác động ngược rất nguy hại ở xứ nhiệt đới như Sài Gòn.
Mặt khác, khách hàng mới giàu có thường chú trọng xe hơi hơn là xe công cộng, có nghĩa là quốc gia có thể đi theo vết xe đổ của nước Mỹ.
Chính một người Mỹ là Ringelstein đã nhìn nhận: “Chúng ta đã học được từ các nước phương Tây một bài học rằng việc xây thêm các con đường không giúp giải quyết được các vấn đề giao thông mà nó có nghĩa rằng sẽ có thêm ngày càng nhiều xe hơi ở trên đường”.

Không có nhận xét nào: