Mặc dù, Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ ngày 1.7.2015 đã cho phép người nước ngoài và Việt kiều được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (VN). Nhưng theo các chuyên gia từ Cty nghiên cứu và tư vấn bất động sản (BĐS) Jones Lang LaSalle Vietnam, giá bán BĐS nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM được ghi nhận là khá đắt đỏ và khả năng chi trả là yếu tố quyết định việc “xuống tiền” của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Hiệp hội BĐS VN (VNREA), sự quan tâm của khách nước ngoài ở khu vực Châu Á vào BĐS VN đang tăng lên, đặc biệt là khi quy định cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại VN. Cụ thể, tại TPHCM, trong khoảng 6 tháng tính từ thời điểm Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, thị trường ghi nhận hơn 1.000 căn hộ được bán cho khách nước ngoài, trong khi suốt 5 năm trước đó, số lượng căn hộ bán ra cho nhóm khách hàng này chỉ khoảng… 250 căn.
Một số dự án BĐS nhận được sự quan tâm của người nước ngoài là Gateway Thảo Điền (của Hamon Developments và Sơn Kim Land) và Nassim Thảo Điền (của Hongkong Land và Sơn Kim Land). Bên cạnh đó, những sự kiện mở bán của hai dự án Vista Verde (Capita Land) và Estella Heights (Keppel Land) tại thị trường Singapore cũng ghi nhận nhiều phản hồi tích cực với doanh số bán hàng tương đối khả quan. Tại Hà Nội, dù chưa có con số chính thức song những dự án cao cấp đã hoàn thành cơ sở hạ tầng của một số chủ đầu tư (CĐT) lớn như FLC, Vingroup... cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ khách nước ngoài.
Theo ông Greg Ohan, Giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Vietnam, luật mới đã loại bỏ được một số quy định rườm rà mà trước đây người nước ngoài gặp phải, giúp thị trường BĐS VN hấp dẫn trở lại. Cụ thể, tất cả người nước ngoài có thị thực vào VN từ ba tháng trở lên, các quỹ đầu tư nước ngoài, các ngân hàng nước ngoài, các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại VN đều là đối tượng được quyền mua và sở hữu nhà tại VN.
Nếu như trước đây nhóm khách hàng này chỉ được phép mua căn hộ thì giờ đây phạm vi đã mở rộng ra tất cả các loại tài sản thuộc phân khúc nhà ở, bao gồm căn hộ và nhà gắn liền với đất (như biệt thự và nhà phố trong một dự án phát triển). Tuy nhiên, người nước ngoài không được sở hữu quá 30% tổng số căn hộ của một toà chung cư, hoặc không được vượt quá 10% số lượng tài sản nhà ở gắn liền với đất trong một dự án phát triển.
Ngoài ra, Luật Nhà ở 2014 cũng quy định: “Người nước ngoài có thể cho thuê lại, thừa kế và thế chấp” thay vì mục đích cư ngụ và không được cho thuê trước đây. Bên cạnh đó, thời hạn người nước ngoài được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận tối đa không quá 50 năm song có thể được gia hạn thêm khi hết hạn. Đặc biệt, trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân VN, hoặc kết hôn với người VN định cư ở nước ngoài thì được toàn quyền sở hữu.
Nhiều lo ngại tiềm ẩn
“Việc gỡ bỏ những hạn chế người nước ngoài sở hữu nhà ở VN là một tin tốt lành cho thị trường BĐS và chứng tỏ một bước đi tích cực đúng hướng” - ông Greg Ohan đánh giá. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, giá bán BĐS nhà ở tại Hà Nội và TPHCM được ghi nhận là khá đắt đỏ. Bên cạnh vấn đề mở cửa cho người nước ngoài thì khả năng chi trả cũng là yếu tố quyết định việc “xuống tiền” của các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, theo GS. Đặng Hùng Võ, người nước ngoài vốn kỹ tính nên các dự án phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì mới có khả năng được họ quan tâm. Vấn đề mà họ quan tâm là an ninh, an toàn, các dịch vụ tiện ích, nhất là về trường học và môi trường sống phải đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, cách tiếp thị, tư vấn, hỗ trợ của các CĐT, môi giới trong nước hiện nay đều làm theo kiểu cũ như với khách hàng nội địa nên người nước ngoài rất e ngại khi lựa chọn một dự án nào đó. Ngoài ra, một số quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu BĐS tại VN vẫn còn chưa rõ ràng khiến khách nước ngoài còn băn khoăn.
Chính vì vậy, dù tiềm năng của phân khúc nhà ở dành cho khách nước ngoài đang được đánh giá khá tích cực nhưng theo nhiều chuyên gia, phân khúc này chỉ dành cho những CĐT nghiêm túc và có định hướng rõ ràng.
Theo Stockbiz
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét